Châu Âu chạy đua gom dầu diesel trên thế giới
Châu Âu đang chạy đua mua các lô hàng dầu diesel từ khắp nơi trên thế giới với tốc độ gần như kỷ lục. Động thái này diễn ra khi chỉ còn hơn hai tháng nữa, Liên minh châu Âu (EU) chính thức áp đặt cấm vận nhiên liệu của Nga, nước cung cấp diesel lớn nhất cho khu vực này.
Ngày:16/12/2022 10:07
Một kho cảng nhập khẩu xăng dầu ở cảng Amsterdam, Hà Lan. Ảnh: Shutterstock
Trong 10 ngày đầu tiên của tháng này, Anh và EU đã nhập khẩu hơn 16 triệu thùng nhiên liệu loại diesel qua đường biển, trung bình 1,6 triệu thùng/ngày, theo số liệu do Công ty phân tích năng lượng Vortexa cung cấp và Bloomberg tổng hợp. Nếu tốc độ nhập khẩu nhanh chóng này tiếp tục duy trì, tổng lượng nhập khẩu diesel của châu Âu trong tháng 12 sẽ đạt mức cao thứ hai kể từ đầu năm 2016.
Về mặt cấu trúc, châu Âu đang thiếu hụt dầu diesel và từ lâu đã phải dựa vào diesel nhập khẩu từ các nước khác. Phần lớn các lô hàng nhập khẩu diesel của châu Âu trong 10 ngày đầu của tháng 12 đến từ châu Á và Trung Đông. Dữ liệu này gợi ý rằng châu Âu có thể phải tiếp tục dựa vào nguồn cung diesel từ các khu vực đó sau khi lệnh cấm vận của EU đối các sản phẩm chưng cất giữa (middle distillates) bao gồm dầu diesel bằng đường biển từ Nga có hiệu lực vào đầu tháng 2-2023.
Gần một nửa lượng dầu diesel mà châu Âu nhập khẩu trong tháng 12 cho đến nay là đến từ Nga. Điều đó có nghĩa là EU vẫn còn một chặng đường dài phía trước, trước khi có thể loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào nguồn cung diesel của Nga.
Vẫn còn phải chờ xem liệu tốc độ nhập khẩu diesel hiện tại của châu Âu có được duy trì hay không. Dữ liệu tương lai của Vortexa cho thấy lượng dầu diesel nhập khẩu trung bình của châu Âu từ ngày 1 đến ngày 15-12 vào khoảng 1,8 triệu thùng/ngày.
Nếu tốc độ nhập khẩu này kéo dài đến cuối năm, thì tháng cuối cùng của năm 2022 sẽ chứng kiến lượng dầu diesel giao cho châu Âu cao nhất kể từ ít nhất là năm 2016, vượt qua mức nhập khẩu tăng đột biến trong tháng 10-2022, khi các cuộc đình công xảy ra tại các nhà máy lọc dầu của Pháp.
Phần lớn trong số hơn 50% nhiên liệu diesel không phải của Nga nhập vào Anh và EU trong 10 ngày đầu của tháng 12 là đến từ Trung Đông và châu Á, bao gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ấn Độ. Nhiều tàu chở nhiên liệu diesel khác cũng đang trên đường đến châu Âu, bao gồm một siêu tàu dầu gần đây đã nạp một lượng dầu diesel nhất định ở Trung Đông và hiện đang di chuyển đến cảng Rotterdam của Hà Lan.
Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng lớn mua dầu diesel của Nga bên ngoài các nước EU. Nhưng đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một nhà xuất khẩu diesel. Theo Công ty tư vấn Facts Global Energy, Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng đóng vai trò trung gian, nhập khẩu dầu diesel của Nga để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm diesel được sản xuất tại các nhà máy lọc dầu trong nước sang châu Âu.
Phần lớn dầu diesel xuất khẩu từ các cơ sở của Nga vẫn chảy sang EU, chủ yếu đến khu vực ARA, tên viết tắt của các cảng Amsterdam, Rotterdam (Hà Lan) và Antwerp (Bỉ), được xem là trung tâm thương mại dầu mỏ phía tây bắc châu Âu.
Tháng 12 là tháng cuối cùng mà các nhà giao dịch của ICE Gasoil, thị trường tương lai dầu diesel chính của châu Âu, được phép vận chuyển nhiên liệu vật chất của Nga đến các địa điểm lưu trữ trong khu vực ARA thông qua các hợp đồng tương lai.
Không phải tất cả nhiên liệu do Nga sản xuất luôn được xuất khẩu từ các cảng của nước này. Một số lô hàng diesel của Nga có thể được vận chuyển qua các nước khác trước khi xuất khẩu sang châu Âu.
Dầu diesel, loại nhiên liệu quan trọng đối với các hoạt động kinh tế từ vận chuyển hàng hóa cho đến vận hành máy móc nông nghiệp, ở châu Âu đang ở gần mức cao kỷ lục, cho thấy nguồn cung đang thắt chặt. Lệnh cấm vận nhiên liệu của Nga bằng đường biển vào đầu tháng 2 tới sẽ làm gia tăng thêm áp lực nguồn cung dầu diesel ở châu Âu. Nguồn cung dầu diesel eo hẹp sẽ góp phần thúc đẩy lạm phát ở khu vực này.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung diesel không chỉ giới hạn ở châu Âu. Tại Mỹ, các kho trữ dầu diesel cũng đang ở các mức thấp trong lịch sử và khả năng Nhà Trắng áp đặt các hạn chế xuất khẩu xăng dầu vẫn chưa thể loại trừ. Công suất các nhà máy lọc dầu của Mỹ đang ở mức thấp nhất kê từ năm 2014. Công suất các nhà máy lọc dầu ở châu Âu cũng đang giảm.
Khi lệnh cấm vận nói trên có hiệu lực, châu Âu có thể cần phải thay thế khoảng 400.000 thùng dầu diesel vận chuyển bằng đường biển của Nga bằng nguồn cung từ những nơi khác. Ấn Độ có thể là một trong những nhà xuất khẩu diesel được hưởng lợi nhiều nhất sau lệnh cấm vận.
Các nhà máy lọc dầu diesel ở châu Á có thể đạt mức biên lợi nhuận cao kỷ lục 20 đô la Mỹ/thùng trong mùa hè này, theo nhà phân tích Janiv Shah của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy.
Các công ty khai thác tàu dầu cũng được hưởng lợi khi các nhà sản xuất nhiên liệu của Nga phải tìm các khách hàng mới nằm cách xa châu Âu. Giá thuê tàu chở dầu đang ở sát mức cao kỷ lục giữa lúc lượng tàu mới gia nhập thị trường chỉ ở mức hạn chế.
Theo Bloomberg, Financial Times