'Hướng thiện kịp thời sẽ loại bỏ mầm ác từ ban đầu ở trẻ'
Ngày:08/11/2023 14:43
“Chúng ta phải lấy biện pháp giáo dục hướng thiện để kịp thời loại bỏ mầm ác ban đầu từ bên trong trẻ chưa thành niên” - ông Đặng Hoa Nam chia sẻ quan điểm với báo VietNamNet.
Một loạt vụ việc gần đây, trong đó có sự việc bé trai 12 tuổi bị bắt nạt học đường dẫn đến sang chấn tâm lý mà báo VietNamNet đã đưa tin, cho thấy một thực tế là tình trạng bắt nạt học đường dường như đang có xu hướng tăng lên.
Bàn về câu chuyện này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng nhà trường và gia đình cần phải có trách nhiệm giáo dục con trẻ, thay vì chỉ xử lý phần “ngọn” là tìm cách trừng phạt đứa trẻ.
"Trong môi trường học đường, trước hết thầy cô phải là người làm gương cho trẻ, phải tôn trọng học sinh, tránh sử dụng hình phạt bạo lực dẫn đến 'bạo lực sinh ra bạo lực'" - ông Đặng Hoa Nam nêu ý kiến.
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân chính cho tình trạng bắt nạt học đường có vẻ ngày càng tăng hiện nay?Ông Đặng Hoa Nam: Vấn đề bạo lực học đường (hay bắt nạt học đường) tồn tại mọi nơi, mọi quốc gia. Nó giống như là nơi khuất tối của trường học.
Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường có liên quan đến môi trường xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, những thông tin độc hại hấp dẫn giới trẻ được phát tán tràn lan trên mạng xã hội mà nếu không được kiểm soát sẽ tác động rất lớn đến trẻ em.
Về phía gia đình, nếu cha mẹ không nêu gương, uốn nắn con trẻ hướng đến những điều tốt đẹp, mà lại cổ vũ cho hành vi bạo lực, ân oán trả thù, ứng xử không chuẩn mực… cũng tác động tiêu cực đến con trẻ.
Đặc biệt trong môi trường học đường, trước hết thầy cô phải là người làm gương cho trẻ, phải tôn trọng học sinh, tránh sử dụng hình phạt bạo lực dẫn đến “bạo lực sinh ra bạo lực”.
Theo tôi, đó là những nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua.
- Có ý kiến cho rằng nhiều hành vi bạo lực là do trẻ vị thành niên gây ra, chúng ta không nên đưa ra hình phạt hoặc chỉ trích các em quá nặng nề. Ý kiến của Cục như thế nào? Như vậy có phải là một cách bao biện, dung túng không, thưa ông?
Chúng ta phải thống nhất cách tiếp cận về phương pháp giáo dục trẻ em chưa thành niên. Những đứa trẻ trong các sự việc bạo lực, kể cả là nạn nhân hay thủ phạm ở góc độ nào đó đều là nạn nhân của yếu tố giáo dục, môi trường sống.
Trẻ chưa thành niên hoàn toàn non nớt về thể chất và trí tuệ nên phải có biện pháp phòng ngừa, nêu gương từ người lớn. Cho dù các em gây ra những tội lỗi, nhưng phải lấy ứng xử yêu thương, giáo dục nghiêm khắc, không dùng phương pháp bạo lực.
Có ý kiến cho rằng phải đưa người gây ra tội lỗi xử lý một cách nghiêm khắc. Quan điểm cảm xúc đó không sai, nhưng chúng ta cần phải nghĩ sâu xa hơn để có phương pháp giải quyết tốt đẹp hơn.
Chúng tôi cũng không đồng tình với ý kiến cho rằng những đứa bé chưa thành niên gây tội ác thì lớn lên sẽ mang lại tai họa cho xã hội, vì thế cần phải xử lý từ rất sớm bằng biện pháp xử phạt hành chính, hình sự, đưa vào trường giáo dưỡng, tách khỏi môi trường giáo dục.
Trái lại, theo tôi, cần kiên trì giáo dục để các em thay đổi. Các cụ đã nói rồi “nhân chi sơ tính bản thiện” – con người sinh ra bản tính thiện, còn mầm ác chỉ hình thành lớn dậy khi cái ác gieo vào đứa trẻ. Vì vậy, chúng ta phải lấy biện pháp giáo dục hướng thiện kịp thời loại bỏ mầm ác từ ban đầu.
Chúng tôi đồng ý rằng với bất kỳ ai, kể cả trẻ em, đều phải xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng những hình phạt đối với trẻ chưa thành niên thì nên lấy nguyên tắc kiên trì để hướng các em trở thành con người tốt.
Cho dù thế nào thì những vụ việc liên quan đến trẻ chưa thành niên, ở góc độ nào đó, cả nạn nhân và thủ phạm đều bị xâm phạm. Nếu pháp luật quy định thì phải áp dụng biện pháp nghiêm khắc. Nhưng pháp luật Việt Nam cũng như bất kỳ quốc gia nào, cho dù áp dụng biện pháp hành chính hay hình sự thì vẫn tuân thủ nguyên tắc chủ yếu là giáo dục để các em có cuộc sống tốt hơn.
Hình ảnh bé 12 tuổi bị bạn đánh đến mức sang chấn tâm lý
- Theo ông, một đứa trẻ 12 tuổi đã nhận thức được vấn đề và cần chịu trách nhiệm về việc làm của mình hay chưa? Trách nhiệm của bố mẹ là như thế nào nếu có con trẻ gây tội ác nhưng chưa phải chịu trách nhiệm hình sự?
Chúng ta trở lại câu chuyện: tất cả hành vi ứng xử, mọi mối quan hệ giao tiếp xã hội đều phải được xem xét dưới 2 góc độ: pháp luật và đạo đức.
Nếu nói về góc độ pháp luật hình sự, pháp luật Việt Nam áp dụng khá đầy đủ những biện pháp, chế tài với người chưa thành niên. Khi trẻ vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự cũng đã quy định rất rõ.
Căn cứ vào các yếu tố hành vi và hậu quả gây ra, xét độ tuổi trưởng thành, pháp luật đã chia ra các mức độ phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiệm trọng… để áp dụng biện pháp, chế tài phù hợp.
Đối với trẻ em chưa thành niên gây ra thiệt hại cho cá nhân, chủ thể khác thì những người giám hộ cho các em (cha mẹ) phải chịu trách nhiệm bồi thường. Chúng ta hãy áp dụng quy định hiện hành đối với các trường hợp cụ thể.
Về góc độ đạo đức vẫn phải tuân thủ quy chuẩn đạo đức. Đặc biệt quy định pháp luật hiện nay của chúng ta có nhiều điểm mới so với trước đây. Đó là việc tôn trọng, bảo vệ các quyền bí mật riêng tư, các thông tin cá nhân, trong đó có trẻ em.
Luật bảo vệ trẻ em cũng đã đưa ra các quy định khá cụ thể về việc tôn trọng thông tin bí mật riêng tư của trẻ em. Do vậy chúng ta phải tuyệt đối tuân thủ quy định pháp luật, bảo vệ lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
- Theo ông, vấn nạn bạo lực học đường cần được đưa vào giảng dạy trong môn Giáo dục công dân như thế nào để xoá bỏ cái xấu trong giới trẻ?
Hiện nay có rất nhiều vấn đề từ yêu cầu xã hội, đặc biệt những vấn đề liên quan đến học sinh, trẻ em tuổi chưa thành niên mong muốn đưa chương trình giáo dục vào trường học. Có lẽ đây là thách thức rất lớn của ngành giáo dục, của Bộ GD&ĐT.
Có nhiều ý kiến cho rằng nên đưa vào môn Giáo dục công dân những kiến thức mang tính cốt lõi như: phòng chống tham nhũng, bạo lực học đường, phòng chống tác hại của rượu bia, thuốc lá… Cá nhân tôi cho rằng chúng ta cần phải quay trở lại những vấn đề mang tính cốt lõi về kỹ năng sống, về đạo đức.
Chúng ta cần phải dựa vào đạo đức nhân bản cốt lõi về sự trung thực và sự thân thiện đối với học sinh, phải thông qua kỹ năng sống, ứng xử thân thiện để giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại có văn hoá. Về lâu dài, chúng ta phải duy trì văn hoá ứng xử giao tiếp thân thiện, phi bạo lực.
Muốn giải quyết tốt vấn đề bạo lực học đường, giáo dục cần phải phát triển công tác tham vấn tâm lý học đường để ngăn chặn từ sớm, từ xa các vụ việc liên quan đến bạo lực.
Xin cám ơn ông!
Tận cùng nỗi đau khi có con bị đánh đến hoảng loạn, gọi bố mẹ là 'côn đồ tốt'
Trong khi các bạn cùng trang lứa đang tới trường học thì K. phải vật vã ôm đầu đầy đau đớn. Cả gia đình “quay cuồng” mỗi khi K. la hét...
Vụ bé trai 12 tuổi bị đánh hội đồng: Xử lý tận gốc, đừng để kịch bản xấu xảy ra
Liên quan vụ bé trai 12 tuổi bị đánh hội đồng ở Hà Nội, chuyên gia tâm lý cho rằng, các cơ quan chức năng, trường học, gia đình phải xử lý đến nơi đến chốn, đừng để kịch bản xấu nhất xảy ra.
Nữ Chủ tịch xã Đại Đồng: Đánh bé trai 12 tuổi đều là trẻ con, nhận thức không đầy đủ
Hãy để những đứa trẻ kia được phát triển một cách bình thường. Bạo lực sinh bạo lực, chúng ta đòi hỏi công bằng cho cháu K. mà không để ý rằng những đứa trẻ kia cũng mới 12 tuổi - bà Kiều Thị Khuyến, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng nói.
Bình luận