Người phụ nữ Việt được xác lập kỷ lục châu Á nhờ bộ sưu tập ấm chén tử sa
Đó là bà Ngô Thị Thanh Tâm - một trà sư nổi tiếng vì có bộ sưu tập ấm chén tử sa lớn nhất Việt Nam.
Ngày:10/11/2022 20:50
Mới đây tại TP.HCM, trà sư Ngô Thị Thanh Tâm đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings (Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam - Liên minh Kỷ lục thế giới) tổ chức lễ xác lập kỷ lục châu Á cho bộ sưu tập “Tâm Trà Diệu Bảo”.
Nói về nhân duyên với trà và ấm chén, trà sư Thanh Tâm cho biết, bà đã có gần 30 năm bước vào thế giới của trà và đất tử sa.
Trà sư Thanh Tâm đón nhận xác lập kỷ lục châu Á cho bộ sưu tập “Tâm Trà Diệu Bảo”. (Ảnh: Đăng Huy).
“Theo năm tháng, căn nhà nhỏ ngày một hẹp dần vì tôi phải ưu tiên không gian cho những tác phẩm tử sa và kho trà các loại. Nhưng bù lại, tôi có được niềm vui đơn sơ bên chung trà và lắng lòng nghe câu chuyện từ những-người-bạn-ấm trong mỗi sớm mai”, trà sư Thanh Tâm chia sẻ.
Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm chọn ấm chén tử sa vì ấm là một trong 4 yếu tố quan trọng để pha một ấm trà ngon.
Ấm tử sa là loại ấm trà làm từ đất sét tử sa khai thác ở vùng Nghi Hưng, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Tử sa theo nghĩa đen là đất cát màu tím - là tên gọi của loại đất sét đặc biệt chỉ có ở vùng Nghi Hưng này.
180 dáng ấm tiêu biểu tại không gian trưng bày ở số 132 - 134 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. (Ảnh: Đăng Huy).
Tương truyền, ấm trà tử sa đầu tiên do nhà sư Ngô Nghĩa Sơn, chùa Kim Sa (thời nhà Minh) tự tay làm ra để uống trà. Những người say mê trà thời đó cũng bắt chước theo. Nhà sư Ngô Nghĩa Sơn truyền lại kỹ thuật làm ấm đất cho đệ tử của mình là Cung Xuân. Sau này Cung Xuân nổi danh vang dậy và được coi là ông tổ của nghề làm ấm đất ở Nghi Hưng.
Trà sư Thanh Tâm cho biết, đất sét tử sa thường gặp 3 loại chính gồm đất màu tím, đất màu xanh và đất màu đỏ. Ngoài ra còn có thể có loại đất màu vàng, màu đỏ cam, màu vàng nhạt…
Loại đất này được tìm thấy dưới lớp đất đá và có độ dày từ vài chục cen-ti-mét đến một mét. Từ lâu, ấm tử sa đã được ca ngợi về công năng đặc biệt đối với việc pha trà. Những nghiên cứu khoa học sau này làm rõ những công năng này theo khía cạnh kỹ thuật lý - hóa học.
Đặc trưng của ấm tử sa là tính thoáng khí tốt. Khi nung lên, đất tử sa cho ra vô số khí khổng (lỗ khí), điều này giúp cho pha trà ngon hơn. Độ xốp của đất tử sa lên đến 10%, kết hợp cùng với hàm lượng sắt cao càng tăng cường thêm khả năng có một không hai của loại ấm này khi sử dụng với trà.
Một vài kiểu dáng ấm tử sa trong bộ “Tâm Trà Diệu Bảo”. (Ảnh: Đăng Huy).
“Hơn một ngàn ấm tử sa của chị Ngô Thị Thanh Tâm hiện nay là bộ sưu tập độc đáo của một người phụ nữ Việt Nam” - TS. Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ nhận định.
Theo TS. Bùi Hữu Dược, nói chuyện với trà sư Thanh Tâm về ấm, ông có cảm nhận mỗi chiếc ấm được gửi vào đó một phần câu chuyện về cuộc đời chị.
Có duyên biết đến trà, ấm chén từ năm 1993 khi trà sư Thanh Tâm còn sống ở Đài Loan rồi sau đó trở thành đam mê cho tới bây giờ. Bà bày tỏ: “Ước mơ của tôi là để những bạn đam mê trà, ấm có một bảo tàng đủ các chủng loại, các kiểu dáng và của tất cả các nghệ nhân và ấm tử sa nguyên bản thật sự để mọi người đến tìm hiểu, học hỏi thêm”.