Phiêu lưu Tam giác Vàng

(Tạp chí Du lịch) - Sang đất Thái, thấy người người nhà nhà làm du lịch. Vừa lên xe, bác tài đã chìa cho tôi các loại tờ rơi quảng cáo về tour ở Chiang Mai, phổ biến nhất là city tour bao gồm tham quan một số ngôi chùa trong thành cổ và Doi Suthep; tour thăm Trại Voi, Vườn Lan, Vườn Bướm và cuối cùng là tour đi Chiang Rai - Tam giác Vàng. Nếu đồng ý, bác tài sẽ đưa chúng tôi đi bằng taxi và kiêm hướng dẫn viên luôn.

Ngày:18/09/2022

 

Phiêu lưu Tam giác Vàng

Chiang Mai yên tĩnh

Chiang Mai không phải là một thành phố đồ sộ, nó giống như một thị trấn nhiều hơn với những ngôi nhà thấp tầng thưa thớt. Chúng tôi vào thành phố lúc đêm đã buông, chỉ thấy tối đen và yên tĩnh. Chiang Mai không ồn ã như Pattaya và Bangkok khi về đêm, không có những show diễn của vũ công pede và những quán bar ầm ĩ nhạc mix, chỉ thấp thoáng bóng tối đen của những mái nhà cong vút trong quần thể chùa cổ. Chiang Mai là cố đô của vương quốc Lanna từ năm 1296 đến 1768. Tàn tích thành cổ giờ chỉ còn bốn cổng thành là nguyên vẹn. Nhìn trên bản đồ, thành cổ có hình ô vuông, nằm ngay trung tâm thành phố với hào nước bao quanh.

Chúng tôi bắt xe đi vào thành. Trung tâm thành cổ là quảng trường Ba Vua với tượng đài ba vị vua nổi tiếng. Từ đó ta có thể đi bộ ra khu vực xung quanh để đến thăm vô số ngôi chùa. Quãng đường đi bộ không dài, chỉ hiềm nỗi tiết trời quá nóng nên nhanh mệt, mặc dù trong các chỉ dẫn đều miêu tả cao nguyên Chiang Mai có khí hậu tương tự… Đà Lạt. Ngôi chùa cổ nhất ở đây là Wat Chiangman (có tuổi đời hơn 700 năm) nhưng kiến trúc không đẹp bằng Wat Phantao và Wat Chedi Luang nằm ngay cạnh quảng trường Ba Vua. Wat Phrasing cũng là một ngôi chùa đáng kể với khuôn viên rộng lớn, nằm sau quảng trường chừng 500m. Ngoài ra, còn hàng trăm ngôi chùa khác nằm rải rác trong và ngoài thành.

Phiêu lưu Tam giác Vàng

Chúng tôi tiếp tục bắt xe lên đồi Suthep. Ngôi chùa trên Doi Suthep là biểu tượng của thành phố. Từ đỉnh đồi có thể nhìn thấy toàn cảnh Chiang Mai. Khi máy bay cất cánh vào ban đêm sẽ thấy một vùng sáng rực ánh vàng lưng chừng trời tựa hào quang thiên đường, ấy chính là chùa Doi Suthep được trang hoàng lộng lẫy ở điểm cao nhất của thành phố.

Tôi đặt khách sạn qua Agoda, thấy nhiều khách sạn phô bày lợi thế của mình là ở cạnh khu chợ đêm Night Bazaar. Trước đó cũng biết Night Bazaar đã lọt vào top 10 chợ thú vị nhất Đông Nam Á do tạp chí Serendib (Srilanka) bình chọn hồi năm 2009. Night Bazaar ban ngày là một con phố tẻ nhạt, tầm thường nhưng khi đêm về thì trở thành ngôi sao. Hàng nghìn ki ốt dựng hai bên bán đủ thứ quần áo, khăn quàng, giày dép tầm tầm và đồ lưu niệm, thể hiện sự khéo tay của người Thái. Khu chợ đêm cũng có nhiều nhà hàng thú vị. Đáng kể nhất là Kalare, một nhà hàng ngồi mâm thay vì ngồi bàn, chủ yếu phục vụ khách ngoại quốc với món Tom Yum (súp tôm kiểu Thái) và sinh tố dừa tuyệt hảo...

Rất nhiều đại lý du lịch đóng trụ sở ở Night Bazaar. Tôi lại chú ý đến tour Tam giác Vàng.

Khám phá Tam giác Vàng

Khi vượt qua hàng trăm khúc quẹo kinh hoàng của những con đèo quanh co dẫn đến tỉnh Chiang Rai (cách Chiang Mai 150km), tôi gần như kiệt sức vì say xe. Trên đường đi, chúng tôi ghé qua một ngôi đền màu trắng mang tên Wat Rong Khun được đầu tư và xây dựng bởi họa sĩ đương đại, kiến trúc sư Chaloemchai Khositphiphat. Ngôi đền được trát vữa trắng và gương nên dưới ánh mặt trời, nó sáng rực lên khác thường. Đây không đơn thuần là một công trình tôn giáo mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đương đại kỳ lạ. Được khởi công xây dựng năm 1996, chủ nhân Chaloemchai tuyên bố rằng công trình chỉ được hoàn thành 90 năm sau cái chết của ông. Cây cầu dẫn từ sân vào trong đền có dáng cong, bên dưới mô phỏng địa ngục với hàng trăm bàn tay người đang khốn khổ với lên thành cầu. Bên trong vẫn có tượng Phật, nhưng trên những bức tranh tường kín mít trong đền, Chaloemchai vẽ hình… siêu nhân, người nhện, người dơi, Doraemon, Michael Jackson, tòa tháp đôi từng bị khủng bố ngày 11/9 và các kiểu người ngoài hành tinh. Trong khi tất cả các đền chùa ở Thái Lan đều sơn vàng, khảm vàng hoặc lấy màu vàng làm chủ đạo thì Chaloemchai sử dụng màu trắng với lý do: vàng chỉ dành cho những người có lòng tham của quỷ dữ.

Phiêu lưu Tam giác Vàng

Khác với hình dung li kỳ của tôi, Tam giác Vàng chỉ đơn giản là một khúc sông Mê Kông yên bình và lặng lẽ. Lối xuống bến thuyền có tấm biển đề chữ "Golden Triangle" kèm theo bản đồ vùng Tam giác Vàng. Bờ bên này là Thái Lan, bờ bên kia là Lào, thuyền đi thêm vài trăm mét nữa là Myanmar. Ba nước chung một khúc sông. Chúng tôi mua vé đáp thuyền sang Lào, một hòn đảo biên giới mang tên Donsao. Mất chừng 20.000 đồng tiền Việt để làm "visa", là một mẩu giấy xấu xí mỏng tang in hình tam giác. Vậy là một lúc đi mấy nước.

Tam giác Vàng vào chính ngọ, mặt sông nâu sẫm ánh gắt, phía bên kia lãnh thổ Myanmar, những rừng cây rậm rạp che kín bờ. Thập niên 70, đây từng là nơi sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới. Khi về nhà kể chuyện Tam giác Vàng, ai cũng bảo cứ đi liều thế tụi Khunsa bắn cho bể sọ. Lạc hậu quá. Khunsa thì chết từ lâu rồi, mà các cánh đồng anh túc trước kia giờ đã được thay thế bằng những thửa ruộng trồng rau củ. Tam giác Vàng đã biến thành khu du lịch sinh thái từ lâu. Bản Therd Thai, cách Chiang Rai 40km, trước đây là đại bản doanh của trùm Khunsa và quân đội của hắn, một lò chế tác thuốc phiện khổng lồ, cũng đã hóa thành một điểm du lịch.

Phiêu lưu Tam giác Vàng

Chợ Donsao - Lào, là một ngôi làng bán đủ các loại tui Hermes, Louis Vuitton, Prada… made in China. Không hiểu sao một ngôi làng hẻo lánh ở Tam giác Vàng lại toàn bán túi hàng hiệu fake của Trung Quốc để làm gì.

Rời Tam giác Vàng, chúng tôi ra cửa khẩu Mae Sai, biên giới giữa cực Bắc Thái Lan và Myanmar. Hai nước được nối liền với nhau bởi một cây cầu ngắn. Chợ cửa khẩu chủ yếu bán các loại ngọc và đá quý. Dễ hiểu vì Myanmar là một quốc gia có mỏ ngọc rất lớn. Các công ty kim hoàn Trung Quốc, Thái Lan cũng thường sang đây mua ngọc để về chế tác. Cũng lại nghe nói, vài thập kỷ trước, cứ đến biên giới Mae Sai là lại như rơi vào phim hành động Mỹ, lúc nào cũng sợ súng nổ từ đám xã hội đen buôn lậu ma túy để đổi lấy vũ khí. Giờ Mae Sai chỉ là một huyện rực rỡ ánh nắng như bất kỳ thị trấn tỉnh lẻ nào ở Đông Nam Á. Tôi không mua ngọc, chỉ mua một nải chuối ngự vàng ươm và ngọt lịm có lẽ được trồng đâu đó trên những cánh đồng từng ươm mầm anh túc.

Ngôi làng của bộ tộc cổ dài

Trên đường về chúng tôi dừng lại ở một ngôi làng có tộc người cổ dài di cư từ Myanmar. Ngôi làng của bộ tộc Kayan (người cổ dài Karen) và bộ tộc Akha (một dân tộc thiểu số Thái Lan) được coi là một khu du lịch với rất nhiều quầy lưu niệm bán khăn quàng và phù điêu có hình người đàn bà cổ dài da ngăm. Khách có thể vào tham quan khu vực bán hàng của người Akha thoải mái nhưng đã bước vào phân khu của người Karen thì phải mua vé. Tiền vé bán được sẽ dành để nuôi những người cổ dài trong bản. Đọc báo biết về người cổ dài đã lâu, thấy họ rất kỳ quái, nhưng khi gặp trực tiếp thì tôi lại thấy những phụ nữ Karen có một vẻ đẹp riêng. Có lẽ mọi sự tồn tại đều có lý do của nó. Mỗi lần gặp khách, những người đàn bà cổ dài chỉ cười nhẹ rồi khẽ gật đầu chào, dáng vẻ rất quý tộc, ấy là do cái vòng cổ chỉ cho phép họ gật đầu chào đến thế chứ không gật sâu hơn được nữa.

Phiêu lưu Tam giác Vàng

Các cô gái cổ dài cũng rất xinh đẹp. Họ tô son điểm phấn cầu kỳ, váy vóc chải chuốt, ngồi trong các chòi lá để bán đồ lưu niệm và dệt vải, hoàn toàn không phải những thổ dân sống trong rừng sâu như tôi vẫn tưởng tượng. Những chiếc vòng cổ bằng đồng nặng 5kg không cho phép họ ngồi thẳng người một cách thoải mái, đặc biệt là những phụ nữ lớn tuổi. Theo tục lệ của bộ lạc Kayan, các em bé gái bắt đầu được mẹ đeo vòng cổ cho từ lúc 5 tuổi. Số vòng xoắn tăng lên theo tuổi tác sẽ khiến cho xương cổ được kéo dài ra đến tận 30cm. Phụ nữ càng nhiều tuổi, vòng cổ càng nặng. Vì vậy họ đành phải lấy dây vải buộc lưng vào cột để dây có thể giữ người cho thẳng.

Cô gái hoa khôi của làng được phân ngồi ngay ki ốt đầu tiên để đón khách. Thi thoảng cô lại lấy gương ra soi và trang điểm lại. Ngôi làng giống như một triển lãm thô sơ của bộ lạc Kayan, có ảnh chụp khoảnh khắc những người phụ nữ cởi vòng ra để chứng minh cho những nghi ngờ thường thấy của khách thập phương rằng cứ hễ cởi vòng ra là họ sẽ bị gãy cổ.

Trong làng còn có tộc người căng tai. Những người phụ nữ căng tai cho to tướng lên bằng những miếng gốm tròn xoe. Tất cả họ đều niềm nở và thân thiện với những nụ cười rất chuyên nghiệp khi chụp ảnh cùng du khách. Đến Thái Lan, mọi thứ đều quy vào dịch vụ, kể cả những người cổ dài.

Chiang Mai cách Bangkok 800km, thành phố cao nguyên được mệnh danh là "Đóa hồng phương Bắc" và được tạp chí lữ hành "Travel and Leisure" (Mỹ) bình bầu là thành phố du lịch xuất sắc hạng nhì thế giới năm 2010. Năm 2011, cẩm nang du lịch "Lonely Planet" cũng xếp Chiang Mai vào Top 10 thành phố trên thế giới phải đến thăm.

Di Li(Nguồn: Travel+ số 1/2022)

www.vtr.org.vn
    Tags:
  1. du lịch

Phiêu lưu Tam giác Vàng - Du Lịch