Tiền đóng bảo hiểm xã hội: Sẽ không gắn với lương cơ sở?
Ngày:22/06/2023 08:52
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 quy định tiền lương tháng đóng BHXH cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Tuy nhiên, theo định hướng cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW (Nghị quyết 27) thì tới đây sẽ không còn “mức lương cơ sở”. Do vậy, cần thiết phải sửa đổi tiền lương tháng đóng BHXH cao nhất theo hướng không gắn với mức lương cơ sở.
Đề xuất tiền lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ không gắn với mức lương cơ sở.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), liên quan đến vấn đề tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất và cao nhất trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ đã nhận được góp ý đề nghị xác định căn cứ đối với việc lấy mốc 2.000.000 đồng và 36.000.000 đồng là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất và cao nhất. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất và cao nhất trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế là không phù hợp về thẩm quyền.
Đối với vấn đề này, Bộ LĐTB&XH cho rằng, Luật BHXH năm 2014 quy định tiền lương tháng đóng BHXH cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Tuy nhiên, theo định hướng cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp thì tới đây sẽ không còn “mức lương cơ sở”. Do vậy, để phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 27 thì cần thiết phải sửa đổi tiền lương tháng đóng BHXH cao nhất theo hướng không gắn với mức lương cơ sở.
Theo quy định hiện hành, tiền lương tháng đóng BHXH cao nhất hiện nay là 36.000.000 đồng; tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc thấp nhất áp dụng đối với một số nhóm đối tượng đặc thù (hưởng sinh hoạt phí, phụ cấp) là 1.800.000 đồng (tính theo mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2023).
Chính vì vậy, để phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 27, kế thừa quy định hiện hành và thuận lợi trong tổ chức thực hiện, tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi theo hướng căn cứ đóng BHXH cao nhất và thấp nhất theo mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố theo quy định của Bộ luật Lao động.
Về phương án tính tiền lương làm căn cứ đóngBHXH, Dự thảo Luật BHXH đưa ra 2 phương án. Cụ thể phương án 1, giữ theo quy định hiện hành tiền lương tính đóng BHXH gồm tiền lương tháng, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể. Phương án 2, tiền lương tính đóng BHXH gồmlươngvà phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định (trừ tiền thưởng, các hỗ trợ ngoài công việc).
Trước đề xuất của Ban soạn thảo tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo luật cho thấy, có nhóm ý kiến đề nghị thực hiện theo phương án 1 nhằm kế thừa quy định hiện hành và phù hợp với thực tiễn. Theo ban soạn thảo dự luật, thực tế, tiền lương tháng, phụ cấp lươnglà những khoản tương đối ổn định và được trả thường xuyên.
Song cũng không ít ý kiến góp ý đề nghị thực hiện theo phương án 2. Lý do, với cách tính này, khoản tiền làm căn cứ để đóng BHXH sẽ được cộng nhiều khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Như vậy mức tiền đóngbảo hiểmcủa người lao động nâng lên, chế độ được hưởng sau này cũng cao hơn.
Trên cơ sở cân nhắc ưu, nhược điểm của từng phương án, tính khả thi và hài hòa lợi ích các bên trong bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay, cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện quy định trên cơ sở phương án 1. Tuy nhiên, phương án này được quy định cụ thể hơn theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định chi tiết nhằm xác định cụ thể các khoản phải đóng, không phải đóng BHXH bắt buộc; việc xác định tiền lương tháng đối với trường hợp thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, tuần và theo sản phẩm, khoán.
Chủ đề: xã hội bảo hiểm gắn với lương cơ sở sẽ không Tiền đóng