Xử lý rác đô thị: Vẫn lạc hậu, kém vệ sinh

Sử dụng phương án chôn lấp là chủ yếu nhưng đa số lại không hợp vệ sinh, đề ra các mục tiêu xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) văn minh, khoa học, bền vững nhưng lại thiếu cơ chế, chính sách cho đến quỹ đất, công nghệ… là thực tế trong vấn đề xử lý rác thải tại Việt Nam.

Ngày:29/08/2022 11:28

 

Xử lý rác đô thị: Vẫn lạc hậu, kém vệ sinh

Xử lý rác tại VIệt Nam hiện nay chủ yếu là chôn lấp. Ảnh: NĐ

80% bãi chôn lấp rác Việt Nam không hợp vệ sinh

Trong 2 ngày 25 và 26.8 tại TP.Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo và triển lãm quốc tế về giải pháp và công nghệ xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam. Tại đây, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết, mặc dù, tỉ lệ thu gom chất thải sinh hoạt vẫn tăng hằng năm, nhưng do lượng phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, cùng với ý thức cộng đồng chưa cao nên tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều địa phương vẫn còn thấp.

Phần lớn tổng lượng chất thải vẫn được xử lý bằng phương pháp chỗn lấp (chiếm đến 71%) nhưng chỉ có 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đây là áp lực rất lớn trong bối cảnh quỹ đất dành cho việc chôn lấp rác tại các địa phương đã ngày càng hạn hẹp.

Tại địa bàn các tỉnh khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, theo kết quả đánh giá cho thấy, toàn khu vực có khoảng 173 cơ sở xử lý/bãi chôn lấp CTRSH. Trong đó, các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh lại chiếm tỉ lệ lớn (51%), tương đương với 102 bãi trên toàn bộ khu vực Miền Trung và Tây Nguyên chủ yếu là bãi rác hở, đổ lộ thiên, rác đổ đống, để khô đốt và khi đầy thì lấp đất hoặc bán lộ thiên, đào hố rãnh sâu, đổ rác, để khô đốt và khi đầy thì lấp đất.

“Công tác quản lý chất thải, đặc biệt là CTRSH là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Do đó, việc đề xuất được các giải pháp đồng bộ từ mô hình quản lý, mô hình công nghệ xử lý chất thải nhằm kiểm soát, giải quyết được bài toán xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải là vấn đề hết sức cấp thiết”- ông Thịnh nêu rõ tính cấp thiết của vấn đề xử lý CTRSH đô thị.

Cần cơ chế lẫn công nghệ

Có ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thiền - Chủ tịch HĐQT Công ty Nước - Môi trường Bình Dương - nêu thực tế, nói về môi trường hiện nay, chúng ta đều hình dung là việc thu gom xử lý rác, chứ nhiệm vụ/dịch vụ của môi trường rất rộng, nhiều lĩnh vực. 

Cụ thể, hiện nay, cơ chế, chính sách liên quan đến xử lý rác còn rất thiếu và yếu, nên chính quyền địa phương, doanh nghiệp lúng túng. Chúng ta khuyến khích đầu tư, xã hội hóa nhưng chưa hướng dẫn cụ thể thì ai sẽ thực thi, thực thi như thế nào? khuyến khích ưu đãi nhưng chưa nêu cụ thể ưu đãi cái gì? Điều này dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau: ODA, vốn tư nhân… nhưng phát triển cũng không bền vững. Sau một thời gian vận hành thì các nhà máy xử lý rác cũng dừng hoạt động vì thu không đủ chi; máy móc, thiết bị hư hỏng không có kinh phí sửa chữa.

Một số lò đốt rác nói là công nghệ tiên tiến nhưng khí thải không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, hoặc tro, xỉ tro cháy không triệt để, còn tỉ lệ lớn khó xử lý, số này lại chuyển thành rác nguy hại, lại phải đi chôn lấp, xử lý lại chi phí rất lớn.

Với kinh nghiệm là đơn vị thực hiện thu gom xử lý rác tại Bình Dương, ông Thiền kiến nghị Bộ Tài chính cần xây dựng khung giá cho xử lý rác, cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ như ưu tiên sử dụng sản phẩm tái chế khi thị trường có cùng sản phẩm; bảo trợ, hỗ trợ, bù giá để giảm giá thành sản phẩm tái chế, giúp thị trường dễ tiêu thụ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu trình Chính phủ ra quyết định các cơ chế chính sách để hỗ trợ ngành xử lý rác Việt Nam, tạo ra con đường thuận lợi để đạt mục tiêu giải quyết việc xử lý rác được như mong đợi đề ra tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Về công nghệ, hiện nay xung quanh chúng ta có rất nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới. Nếu chúng ta có cơ chế thích hợp thì các công nghệ đó sẽ ồ ạt đổ vào Việt Nam, vì trong sản xuất kinh doanh muốn có hiệu quả tốt thì công nghệ phải tốt.

Nhìn nhận thực tế khó khăn trong quản lý, xử lý chất thải sinh hoạt tại Việt Nam, ông Phạm Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường Miền Trung và Tây Nguyên, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng, các cơ quan quản lý các cấp cần sớm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung xây dựng và trình Chính phủ ban hành các giải pháp phù hợp để thúc đẩy thành lập các khu liên hợp xử lý chất thải rắn theo vùng nhằm mục tiêu tạo ra các trung tâm xử lý CTRSH vùng, thúc đẩy phát triển công nghệ xử lý CTRSH...

 

laodong.vn

Xử lý rác đô thị: Vẫn lạc hậu, kém vệ sinh - Tin Nóng